Thứ ba, 16/04/2024 - Hotline: (84-8) 3829 9632

Tin Fafilm

Kinh doanh dịch vụ "Phim theo yêu cầu" đón đầu nhu cầu giải trí cư dân mạng

Thứ tư, 24/06/2015, 07:34 GMT+7

Sự bùng nổ thuê bao Internet khiến các loại hình nội dung trên hạ tầng mạng ADSL phát triển mạnh. Bên cạnh game online, nhạc số, truyền hình Internet (IPTV), sự xuất hiện của "Phim theo yêu cầu" (Video on Demand - VoD) hứa hẹn là xu hướng tất yếu về một phương thức giải trí trực tuyến mới.

Ảnh: chụp màn hình.

Các doanh nghiệp ra sức đầu tư kinh doanh lĩnh vực phim ảnh có bản quyền trên Internet.Ảnh chụp màn hình.

VoD có những ưu điểm vượt trội như khả năng cung cấp lượng phim ảnh không hạn chế, có thể sử dụng mọi lúc mọi nơi trong môi trường Internet và chất lượng hình ảnh âm thanh cao. Hơn nữa, công nghệ này còn đặc biệt chú trọng đến việc tương tác qua lại giữa khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ thông qua thiết bị Set Top Box và các ứng dụng công nghệ thông tin khác.

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Internet Việt Nam thì đến nay số người sử dụng Internet trong cả nước đã gần 13 triệu và lượng thuê bao ADSL năm 2005 tăng 300% so với năm trước. Dự kiến chỉ số này sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. Hạ tầng Internet và chất lượng dịch vụ đang dần được cải thiện, nhu cầu giải trí của cư dân mạng cũng ngày càng cao đã khiến các nhà kinh doanh bắt tay vào khai thác tiềm năng của loại hình mới này.

Lúc khởi đầu phim theo yêu cầu chỉ cung cấp thông tin giải trí từ đài truyền hình, trên các website như vtc.com.vn, htv.com.vn, vnntelevision.net... Đến nay, một số nhà cung cấp dịch vụ đã mạnh dạn hợp tác với nhà phát hành phim trình chiếu những tác phẩm điện ảnh có bản quyền trong nước và quốc tế như một động thái thể hiện sự nghiêm túc đầu tư vào lĩnh vực VoD. Dù lượng phim cung cấp trong giai đoạn thử nghiệm hạn chế còn ít nhưng thể loại khá đa dạng từ kinh điển, tâm lý tình cảm, hành động, kiếm hiệp, hài... cho đến hoạt hình.

Đi đầu trong việc triển khai thử nghiệm cung cấp phim có bản quyền trên Internet là phim24g.net do Công ty cổ phần dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) hợp tác cùng Công ty truyền thông Gia Việt thực hiện. Theo ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng dịch vụ mạng Công ty SPT, thì việc triển khai thử nghiệm trong giai đoạn này là nhằm thăm dò mức độ chấp nhận của khách hàng cũng như kiểm tra kỹ thuật trước khi chính thức kinh doanh.

Sắp tới, Công ty cổ phần viễn thông FPT (FPT Telecom) cũng tiến hành thử nghiệm cung cấp 300 phim có bản quyền trên http://tv.fpt.vn cùng các đối tác là BHD, Galaxy Thiên Ngân và FaFilm, song song với việc chuẩn bị phát sóng đại trà trên hạ tầng ADSL 35 kênh truyền hình trực tuyến IPTV như: VTV, HTV, Fashion TV, Movie Star, HBO, Disney Chanel...

Ông Phạm Quốc Thắng, Giám đốc trung tâm truyền hình trực tuyến của FPT Telecom, cho biết: "Ưu thế về lượng khách hàng có sẵn với gần 100.000 thuê bao ADSL, khả năng về công nghệ cộng với nhu cầu giải trí ngày càng cao của dân ghiền Internet và tiềm năng từ dịch vụ này là lý do chúng tôi nhảy vào thị trường kinh doanh phim ảnh qua mạng".

Để xem thử nghiệm phim có bản quyền này, khách hàng bắt buộc phải vào wesbite và đăng ký một tài khoản. Ngoài ra, chương trình chỉ hỗ trợ trình duyệt Internet Explorer. Yêu cầu máy tính cấu hình tối thiểu là Pentium III, có cài đặt sẵn Windows Media Player 9 hoặc 10 và kiểu kết nối Internet phải là ADSL hoặc Leased-line với băng thông tối thiểu là 1 Mb/giây. Tùy vào tốc độ đường truyền, khách hàng có thể chọn xem phim với chất lượng cao hoặc bình thường.

Khi tình hình sử dụng băng đĩa lậu vẫn còn rất phổ biến và việc xem, tải phim ảnh miễn phí trên Internet không phải là điều khó khăn thì quyết định đầu tư vào lĩnh vực phim ảnh trên mạng sẽ có khá nhiều rủi ro. "Rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp là vấn đề bản quyền. Ngoài ra giải pháp đường truyền cũng như cơ chế bảo mật cũng là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến kinh doanh phim trên Internet", ông Huỳnh Quang Việt, Trưởng phòng Marketing công ty SPT, cho biết.

Hiện tại, với điều kiện hạ tầng mạng và công nghệ VoD đang ứng dụng tại Việt Nam, khách hàng ADSL tham gia thử nghiệm đã phản ánh khá nhiều về chất lượng của phim theo yêu cầu như tình trạng giật, hình ảnh và âm thanh không phát cùng lúc, chất lượng phim phụ thuộc vào thời tiết... Điều này thực sự là vấn đề khó khăn khi thương mại hóa dịch vụ bởi ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp.

Nhằm chuẩn bị kinh doanh loại hình giải trí này, FPT Telecom đã hoàn thành nâng cấp hạ tầng mạng ADSL 2+ với tốc độ truyền từ nhà cung cấp dịch vụ đến khách hàng có thể đạt 24 Mb/giây, đáp ứng tốt nhu cầu xem phim chất lượng cao cũng như game online, nhạc số, truyền hình Internet... Và trong thời gian thử nghiệm, dịch vụ này mới chỉ phục vụ cho khách hàng sử dụng ADSL của FPT Telecom vì các phim trình chiếu được nén lại trên cơ sở phim gốc với tốc độ bit đạt đến 1.628 Kb/giây, với tốc độ này hạ tầng Internet đại trà chưa thể đáp ứng được.

"Thời gian tới chúng tôi sẽ thử nghiệm dịch vụ này trên chính TV nhà khách hàng thông qua thiết bị giải mã Set Top Box nối kết giữa đường dây ADSL với TV", đại diện công ty FPT Telecom cho biết. "Công nghệ này cho phép khách hàng tương tác qua lại với nhau, với nhà cung cấp dịch vụ cũng như có thể chat (tán gẫu bằng chữ), voting (biểu quyết/thăm dò), cài đặt chương trình theo ý muốn...".

VoD là dịch vụ xem phim theo yêu cầu, trong đó phim ảnh được lưu trữ trên các máy chủ của nhà cung cấp. Tất cả nội dung dịch vụ được lựa chọn ngay trên website hoặc trình điều khiển Set Top Box thể hiện ở màn hình TV, đồng thời cho phép khách hàng điều khiển tới, lui hoặc dừng lại. Trong tương lai các nhà cung cấp VoD sẽ thu phí loại hình dịch vụ này và giá cả xem một bộ phim trên Internet sẽ không vượt quá giá một đĩa phim “lậu” trôi nổi ngoài thị trường.


Người viết : Fafim tổng hợp