Thứ bảy, 18/05/2024 - Hotline: (84-8) 3829 9632

Tin Điện ảnh

Những bộ phim ca nhạc thành công nhất của màn ảnh rộng

Thứ hai, 28/11/2011, 06:16 GMT+7

 

Chưa bao giờ những bộ phim âm nhạc mất đi sức hút của mình. Hãy cùng chúng tôi điểm lại những bộ phim ca nhạc “bất hủ” trên màn ảnh rộng.

Những bộ phim ca nhạc là nơi bạn được chìm đắm trong không gian lãng mạn của tình yêu, được thả hồn trong những tình khúc say mê lòng người và nhún nhảy cùng những vũ điệu sôi động…

 

Chưa bao giờ những bộ phim âm nhạc mất đi sức hút của mình. Hãy cùng chúng tôi điểm lại những bộ phim ca nhạc “bất hủ” trên màn ảnh rộng.

Những bộ phim ca nhạc là nơi bạn được chìm đắm trong không gian lãng mạn của tình yêu, được thả hồn trong những tình khúc say mê lòng người và nhún nhảy cùng những vũ điệu sôi động…

My Fair Lady

My Fair Lady, bộ phim ca nhạc chuyển thể từvở kịch Pygmalion của George Bernard Shaw, là một trong những bộ phim âm nhạc hay nhất mọi thời đại.

Âm nhạc tuyệt vời, diễn viên hoàn hảo và đạo diễn tài năng khiến ai đã từng xem My Fair Lady đều không thể quên. Sự nhẹ nhàng và tinh tế trong việc đề cập đến nhiều góc khuất của cuộc sống đã biến My Fair Lady không chỉ đơn thuần là một tác phẩm giải trí mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. 

Chình vì vậy mà bộ phim không chỉ chiếm được cảm tình của nhiều khán giả mà còn được giới phê bình đánh giá cao. My Fair Lady đã giành được tới 8 giải Oscar, trong đó đáng chú ý là giải Phim hay nhất,Nam diễn viên chính xuất sắc nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất.

Chicago

Chicago đã đánh dấu sự nổi đình nổi đám của mình với việc giành 13 đề cử Oscar và đem về 6 giải (trong đó có giải Phim hay nhất). Chicago cũng là bộ phim đánh dấu sự trở lại huy hoàng của phim ca nhạc sauMoulin Rouge (2001).

Bộ phim có sự tham gia diễn xuất của những cái tên đình đám trong giới điện ảnh như Rene Zellweger, Catherine Zeta-Jones, Richard Gere,… Phim mang nhiều ý nghĩa châm biếm thú vị đối với người xem, bộ phim đã vạch trần sự thật đằng sau những hào quang, danh vọng mà nhiều người hiện nay đang lóa mắt vì nó.

Khác với Moulin Rouge, Chicago sử dụng ca khúc không chỉ nhằm mục đích nâng cảm xúc của nhân vật mà còn để khắc họa tính cách, bộ mặt của nhân vật. Chính vì vậy những bài hát là phần quyết định thành công của bộ phim. Catherine đã ca hát nhảy múa thật tuyệt, với bài All that jazz ở đầu phim, cô đã làm người xem nhớ về thời hoàng kim của nhạc jazz. Richard Gere có giọng hát mang đậm phong cách jazz đã làm người xem ngạc nhiên. Rene có giọng hát mỏng và hơi yếu nhưng lại thể hiện được rõ nét cảm xúc của nhân vật. Đó là một chút gì đểu giả trong Funny honey, cái tham vọng ghê gớm, kệch cỡm trong Roixe hay những nỗ lực thất vọng trong Nowadays.

Moulin Rouge

Sau thời kỳ vàng son của thập niên 60, thể loại phim ca nhạc tưởng như đã chìm vào quên lãng trong suốt một thời gian dài thì tới năm 2001, thể loại này đã được hồi sinh với bộ phim Moulin Rouge.

Moulin Rouge giống như một bữa tiệc âm nhạc đa màu sắc với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau của tình yêu từ e ấp, ngượng ngùng cho tới nồng cháy, mãnh liệt. Hình ảnh được trau chuốt, lộng lẫy của bộ phim đem lại một cảm giác sống động cho khán giả như thể đang được chiêm ngưỡng một vở nhạc kịch cổ điển ngay trước mắt.

Những bài hát ở đủ mọi phong cách được thể hiện qua giọng ca trong trẻo, khỏe khoắn của hai ngôi sao Nicole Kidman và Ewan McGregor đã góp phần quan trọng trong việc thể hiện nội dung và truyền tải những ý nghĩa của Moulin Rouge. Đây thực sự là một tác phẩm tuyệt vời đánh dấu cho thời kỳ phát triển mới của dòng phim ca nhạc.

Mary Poppins

Trong lịch sử điện ảnh thế giới, bộ phim ca nhạc dành cho thiếu nhi Mary Poppins (1964) được coi là cột mốc quan trọng trong việc sử dụng kỹ xảo, hiệu ứng hình ảnh và âm nhạc.

Mary Poppins được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên viết cho thiếu nhi của nhà văn Pamela Lyndon Travers. Nhân vật chính của phim là cô bảo mẫu kỳ lạ Mary Poppins đột nhiên xuất hiện trong một ngày sương mù của thành phố London và trở thành bảo mẫu cho những đứa trẻ của gia đình Banks. Mary đem tới những giai điệu âm nhạc tuyệt vời khiến lũ trẻ vô cùng ngạc nhiên và thích thú. Bên cạnh Mary còn có anh thợ cạo ống khói Beth vô cùng vui tính.

Kết hợp những cảnh quay đầy màu sắc sống động với cách kể chuyện bằng âm nhạc đầy sinh động, Mary Poppins luôn nằm trong danh sách những bộ phim ca nhạc hay nhất mọi thời đại. Những hình ảnh như Mary bay bằng chiếc ô của mình hay anh thợ cạo Beth nhảy múa cùng chổi thông ống khói trên những mái nhà đã trở thành những hình ảnh kinh điển của nền điện ảnh thế giới. Phim đã giành 5 giải Oscar danh giá và trở thành cái tên được hàng triệu trẻ em ở khắp nơi trên thế giới yêu mến.

Hairspray

Hairspray là phim ca nhạc tuyệt vời. Với các khung hình đẹp, những màn trình diễn vui mắt và tự nhiên ở tất cả mọi nơi, trong nhà, ngoài phố... trên một nền nhạc hay, sống động, phim đưa khán giả vào những phút giây thư giãn vô cùng thoải mái.

Hairspray là phiên bản điện ảnh của vở nhạc kịch nổi tiếng cùng tên trên sân khấu Broadway. Bối cảnh diễn ra câu chuyện tại thành phố Baltinore, bang Maryland vào đầu những năm 60 thế kỷ trước. Hairspray thành công nhờ những sáng tạo của biên đạo múa Adam Shankman, chuyển tải trọn vẹn cái hồn của nhạc kịch sân khấu lên màn bạc. Sự thành công của Adam càng có ý nghĩa vì trước đó vở ca vũ kịch này đã từng được John Waters chuyển thể vào năm 1988, nhưng đã thất bại.

Các nhà phê bình cũng đánh giá cao diễn xuất của Nikki Blonsky trong vai Tracy, nhờ cô mà bộ phim trở nên tràn trề sức sống. Dàn diễn viên như John Travolta, James Marsden, Michelle Pfeiffer, Christopher Walken, Queen Latifah... đã hoàn thành vai trò của mình một cách hết sức ấn tượng. Không ai nghĩ rằng anh chàng mặt ngầu lại vào vai bà mẹ mũm mĩm ngọt đến như vậy.

Mamma Mia

Mamma Mia dẫn dắt người xem vào thế giới thần tiên, tràn ngập âm nhạc của ABBA. Giai điệu cuốn hút hòa nhịp trong vũ đạo đẹp mắt, lồng vào cảnh sắc thơ mộng của đảo và biển nước Địa Trung Hải đã khiến người xem ngây ngất.

Câu chuyện gia đình và tình yêu của cô gái Sophie được kể lại qua những giai điệu bất hủ của ban nhạc ABBA. Khán giả được trở lại với những ca khúc sôi động như Mamma Mia, Dancing Queen, Honey Honey, đan xen với những bản tình ca da diết như I Have A Dream, The Winner Takes It All, Knowing Me, Knowing You, Our Last Summer. Mỗi bài hát thể hiện cho những tâm trạng, nỗi niềm khác nhau của các nhân vật. Harry kể lại tình yêu của ông với Donna qua khúc hát Our Last Summer. Sophia và người yêu cùng ngân nga bài Lay All Your Love on Me để diễn tả tình yêu cháy bỏng. Donna hát bài S.O.S như lời trách móc Sam đã bỏ nàng ra đi trong lúc bối rối…

Diễn xuất sinh động, hài hước của các diễn viên phối hợp trong những tình khúc mê đắm của ban nhạc ABBA đã tạo nên một bộ phim như dấu lặng tinh tế trong mùa hè 2008. Khán giả cũng sẽ bất ngờ khi xem những màn vũ đạo sôi động, hài hước, mang đầy tính sáng tạo của nhân vật chính cùng những người dân trên đảo.

Grease

Đây được coi là một bộ phim nhạc kịch tuyệt vời về tình yêu của các cô cậu tuổi teen thập niên 50. Bộ phim là câu chuyện tình yêu của chàng trai Danny Zuko và cô nàng Sandy Olsson.

Sản xuất năm 1978, bộ phim âm nhạc rock n roll Grease đã qua mặt các bộ phim ca nhạc kinh điển khác để chiếm vị trí số 1 trong danh sách 100 bộ phim âm nhạc hay nhất mọi thời đại của Hollywood do khán giả của kênh truyền hình Channel 4 bình chọn. Các ca khúc trong Grease như You're The One That I Want, Hopelessly Devoted to You, Summer Nights And Greased Lightnin',... cũng từng lọt vào các bảng xếp hạng các ca khúc ăn khách nhất.

Bộ phim bỏ ra chi phí khá thấp, chỉ 6 triệu USD (khoảng 126 tỷ đồng) nhưng đạt doanh thu toàn cầu rất cao gần 395 triệu USD (khoảng 8297 tỷ đồng). Album nhạc phim Grease bán chạy ở vị trí thứ 2 tại Mỹ trong năm 1978. Vào 1998, tạp chí Empire bình chọn Grease là một trong 500 bộ phim xuất sắc nhất mọi thời đại.


Theo PLXH