Thứ sáu, 26/04/2024 - Hotline: (84-8) 3829 9632

Tin Điện ảnh

‘House of Cards’ - ván bài quyền lực của chính trường Mỹ

Wednesday, 01/04/2015, 02:22 GMT+7

Những mưu đồ chính trị ly kỳ, những nhân vật đặc sắc cùng dàn diễn viên hạng A giúp “House of Cards” trở thành loạt phim truyền hình chính trị số một hiện nay

Những năm gần đây, truyền hình Mỹ bước vào “kỷ nguyên vàng” với những loạt phim được đánh giá xuất sắc cả về kịch bản, cách kể chuyện lẫn diễn xuất. Nếu như các phim điện ảnh bị giới hạn về thời gian thì phim truyền hình lại có thể kéo dài hàng chục tập qua nhiều mùa, giúp các nhà làm phim thoải mái phát triển tâm lý nhân vật và đưa ra các nút thắt - mở.

Những Breaking Bad, Game of Thrones, True Detective hay Fargo... đều lần lượt trở thành những tượng đài mới trong thể loại của mình. Trong lĩnh vực phim chính trị, không một tác phẩm nào có thể sánh ngang với House of Cards (Sóng gió chính trường). Loạt phim vừa kết thúc mùa thứ ba này thực sự là một series mang tính cách mạng, cả về cách ra đời, nội dung lẫn diễn xuất đỉnh cao của ngôi sao Kevin Spacey.

[Caption]

Dàn diễn viên của phim truyền hình "House of Cards".

Loạt phim truyền hình mang tính đột phá

House of Cards được lấy cảm hứng từ bộ phim truyền hình ngắn gồm bốn tập cùng tên của đài BBC từng phát sóng năm 1990. Bối cảnh phim đặt tại thủ đô Washington của Mỹ, nơi tập trung mọi quyền lực về chính trị của quốc gia này.

Nhân vật chính của House of Cards là Francis Underwood (Kevin Spacey thủ vai), người giữ chức Chấp pháp phe đa số của Hạ viện. Là người đầy tham vọng và đam mê quyền lực, Underwood đã ngỡ ngàng khi tân Tổng thống Garrett Walker (Michel Gill) nuốt lời, không trao cho ông chức Bộ trưởng Ngoại giao như đã hứa lúc tranh cử.

Bên ngoài, Underwood tỏ vẻ thoải mái chấp nhận sự phản bội của Walker, song bên trong là cả một ngọn núi lửa đang chực phun trào. Bắt đầu từ giây phút bị tước chức Ngoại trưởng, Underwood lên kế hoạch trả thù những người đã bội ước. Từng bước một, Underwood tiến sâu hơn vào thế giới quyền lực của Nhà trắng với những nước bài cao tay, cùng sự hỗ trợ của người vợ sắc sảo Claire (Robin Wright) và cánh tay phải Doug Stamper (Michael Kelly)...

Không phải ngẫu nhiên mà House of Cards được xem như một series mang tính cách mạng trong lĩnh vực truyền hình. Đơn giản là bởi thay vì được đỡ đầu bởi những đại gia như HBO, AMC hay Fox, House of Cards lại do cái tên số một trong lĩnh vực chia sẻ video, phim ảnh trực tuyến là Netflix sản xuất. Khác với những bộ phim truyền hình khác được phát sóng từng tập một tuần này qua tuần khác, mỗi mùa của House of Cards luôn được ra trọn vẹn 13 tập trong cùng một ngày. Điều này khiến cho khán giả có thể xem trọn vẹn cả mùa theo “phong cách marathon” để bõ công chờ đợi.

Chính Kevin Spacey cũng ủng hộ cách phát hành phim độc đáo này, từ chính thói quen của những người xung quanh ông: “Khi tôi hỏi bạn bè rằng họ đã làm gì trong dịp cuối tuần, câu trả lời thường là: ‘Tôi đã nằm ở nhà cả ngày và xem liền ba mùa của Breaking Bad hay hai mùa của Game of Thrones’”.

Cuối cùng, yếu tố giúp House of Cards trở thành một series đột phá và gây nghiện là bởi chất lượng của nó. Không phải ngẫu nhiên mà một ngôi sao từng hai lần đoạt giải Oscar về diễn xuất như Kevin Spacey lại chấp nhận tham gia một phim truyền hình dài sau hơn hai thập kỷ. Ông chia sẻ: “Nếu bạn để ý kỹ, những kịch bản hay nhất, những nhân vật thú vị nhất trong 10 năm qua đều được tập trung trên truyền hình”.

Spacey đã không hề lựa chọn sai, khi ngay từ mùa đầu tiên, House of Cards đã trở thành loạt phim đầu tiên được phát sóng trực tuyến nhận được đề cử giải Emmy (được xem như Oscar của truyền hình Mỹ). Ngoài 9 đề cử Emmy bao gồm Phim truyền hình, Nam và Nữ diễn viên chính hay nhất, loạt phim đình đám này còn nhận được thêm bốn đề cử Quả Cầu Vàng. Số lượng đề cử Emmy và Quả Cầu Vàng cho House of Cards mùa thứ hai lần lượt là 13 và 3, như một minh chứng cho chất lượng của loạt phim này.

Nhân vật đam mê quyền lực, thao túng Francis Underwood là vai diễn hay bậc nhất sự nghiệp của Kevin Spacey.

Nhân vật Francis Underwood là vai diễn hay bậc nhất sự nghiệp của Kevin Spacey.

Ván bài quyền lực

Một trong những nhà sản xuất của House of Cards là David Fincher, đạo diễn nổi tiếng với phong cách làm phim ly kỳ, cuốn hút và bất ngờ từng được thể hiện qua những bộ phim như Se7en, Fight Club hay mới đây nhất là Gone Girl. Fincher theo dõi sát sao quá trình sản xuất loạt phim và thậm chí còn đích thân đạo diễn một số tập. Kết quả là loạt phim chính trị này không hề khô khan với những dự luật, những ông nghị... mà khiến người xem bị cuốn vào thế giới của Capitol Hill đầy rẫy chước quỷ mưu ma. Một thế giới của quyền lực, dục vọng và những mưu đồ toan tính ấy được kể qua nước phim màu tối, như thể báo trước sẽ chẳng có gì sáng sủa.

Tâm điểm của thế giới quyền lực đó là Francis Underwood, một con nhện nằm ở giữa tấm mạng do nó tạo ra. Con nhện độc ấy nắm rõ mọi thứ dù là nhỏ nhất xung quanh mình và sẵn sàng nuốt sống bất cứ con mồi dại dột nào vô tình đi qua lãnh thổ của nó. Ngay từ cảnh đầu tiên trong mùa thứ nhất, khán giả đã phần nào cảm nhận được tính cách của Underwood, khi ông thản nhiên bẻ cổ một con chó đang hấp hối vì tai nạn.

Theo Underwood, đó là “hành động không đẹp mắt nhưng cần thiết” mà đôi khi phải có những người đứng ra làm. Càng xem phim, khán giả càng phải tự hỏi xem liệu Underwood đang toan tính những nước đi gì và giới hạn của con người là đâu? Đơn giản là bởi dù nhân vật Underwood thường xuyên phá vỡ “bức tường thứ tư” và nhìn thẳng vào ống kính để chia sẻ với người xem suy nghĩ của ông ta, khó ai có thể nhìn thấu tâm can của y.

Underwood là một kẻ đam mê quyền lực và sự thao túng đến tột độ, như cách gã nói về sex: “Tất cả mọi thứ đều là về tình dục, chỉ trừ tình dục. Bản thân tình dục là một cách để thể hiện quyền lực”. Gã là một kẻ “bắt tay người khác bằng tay phải và thủ sẵn một hòn đá trong tay trái”, sẵn sàng chà đạp lên bất cứ ai ngáng đường một cách thực dụng đến tàn nhẫn. Có thể ở bên ngoài, Underwood tỏ ra hồ hởi và chính trực với những lời lẽ bay bướm, song đó chỉ là lớp vỏ bọc của một kẻ gian hùng không từ một thủ đoạn nào để đạt được mục đích, kể cả giết người. House of Cards đầy rẫy lời khuyên hay những câu thoại đắt giá từ Francis: “Con đường tới quyền lực được lát bởi đạo đức giả, những thương vong và không có chỗ cho sự hối hận”.

Với Underwood, những người xung quanh hắn đều như những lá bài với mục đích sử dụng cụ thể, để ngay cả những quan tòa, nghị sĩ cho tới cả Tổng thống Mỹ đều có lúc bị Underwood thao túng. Kinh nghiệm lọc lõi cùng đẳng cấp của một ngôi sao hàng đầu khiến Kevin Spacey vào vai Francis Underwood một cách hoàn hảo. Dù đã nổi tiếng với các vai phản diện trong Se7en, The Usuals Suspects hay người chồng trong American Beauty, có thể nói đến nay, kẻ gian hùng Francis Underwood mới là nhân vật hay nhất mà Spacey từng thể hiện.

House of Cards có nhiều nhân vật lấy nguyên mẫu từ các chính trị gia ngoài đời, như tổng thống Nga Petrov trong phim gợi nhớ đến tổng thống Putin.

"House of Cards" có nhiều nhân vật lấy nguyên mẫu từ các chính trị gia ngoài đời, như Tổng thống Nga Petrov (trái) trong phim gợi nhớ đến Tổng thống Putin.

Sở hữu một bộ não và khả năng thuyết phục người khác siêu việt, Underwood càng may mắn khi có bên cạnh “bông hồng thép Claire”. Người phụ nữ này vừa đẹp, vừa lạnh lùng lại vừa tham vọng, để rồi khi đặt cạnh Francis người ta chỉ có thể thốt lên rằng họ là một cặp trời sinh. Mọi quyết định quan trọng trong cuộc đời Frank đều được tham khảo ý kiến của Claire trước tiên, và bản thân người đàn ông cao ngạo này từng thừa nhận ông sẽ chẳng thể có được ngày hôm nay nếu không có Claire. Họ không có lấy một mụn con, và cái họ để lại cho đời chính là di sản chính trị mà cả hai cùng chung tay vun vén.

Ván bài chưa ngã ngũ

Bên cạnh hai nhân vật chính, House of Cards còn nhiều nhân vật khác không kém phần thú vị. “Cánh tay phải” Doug là thuộc hạ tin cẩn của Francis, song lại vật lộn với chứng nghiện rượu cùng mối quan hệ đầy ám ảnh với ả gái làng chơi Rachel. Tay cận vệ Meechum trung thành tuyệt đối với Underwood như thể Al Neri với Michael Corleone trong The Godfather. Zoe Barnes - một nữ phóng viên trẻ sẵn sàng có mối quan hệ thể xác với Underwood để biết được nội tình chính trị và vô tình lún quá sâu vào cái hố đen đó.

Peter Russo - một chính trị gia trẻ tuổi nhưng lạc lối. Raymond Tusk - nhà tài phiệt sử dụng những mối quan hệ với Nhà trắng để làm dày thêm cái hầu bao của mình. Tom Yates - gã nhà văn được thuê để viết sách ngợi ca dự án tâm huyết của Underwood... Những con người ấy vừa làm House of Cards trở nên đa sắc màu, lại vừa tạo ra những tuyến truyện phụ hấp dẫn mà lại có tính bổ sung, liên kết chặt chẽ với mạch truyện gốc.

House of Cards còn mang tính thời sự cao, khi series này đề cao sức mạnh của truyền thông, mạng xã hội trong thế giới hiện đại. Khi xem phim, nếu có kiến thức nhất định về chính trường Mỹ hay tình hình thế giới thì khán giả sẽ thấy bộ phim hay hơn. Mùa thứ ba thậm chí còn giới thiệu nhân vật Tổng thống Nga Petrov (Lars Mikkelsen) mà nếu người xem tinh ý thì sẽ dễ dàng nhận ra sự tương đồng với tổng thống Putin ở ngoài đời: từ ngoại hình, xuất thân cho tới thái độ cứng rắn đối với phương Tây.

House of Cards không phải là một series hoàn hảo khi vẫn còn đây đó những hạt sạn. Như nhân vật tổng thống Walker, sẽ thật khó tin khi một kẻ nhu nhược, dễ bị giật dây và hoàn toàn dưới cơ Underwood như ông ta lại được Đảng Dân chủ chọn làm ứng viên chứ chưa nói tới việc đắc cử. Hay như những mối quan hệ ngoại giao thiếu thực tế giữa Mỹ-Israel-Palestine trong mùa thứ ba, khi mà Underwood đã đứng trên một đỉnh cao mới của quyền lực.

Nhưng những điểm trừ hiếm hoi ấy không quá ảnh hưởng tới series này và vẫn khiến người xem say mê theo dõi House of Cards. Mùa thứ ba của loạt phim đã kết thúc với một biến cố mới trong đời của Underwood, để những người hâm mộ lại phải đoán già đoán non thêm một năm nữa khi ván bài của “con cáo già” ấy vẫn chưa kết thúc.


Nguồn vnexpress