Sỉ nhục Online có nên không?

Monday, 01/06/2015, 02:26 GMT+7

Thế giới công nghệ đang tạo ra nhiều "khoảng trống"

Công nghệ phát triển đưa con người trải nghiệm một cuộc sống tiện nghi và nhàn rỗi hơn. Tuy vậy, phía sau nó là những khoảng cách ngày càng xa, đôi khi bắt đầu từ trong gia đình. Và rồi, khi cái tôi của mỗi người lớn dần, thế giới công nghệ, truyền thông để cho một số người mặc sức "sỉ nhục online".

Nếu may mắn thì bạn chỉ đọc tin chứ không phải chứng kiến những trường hợp người ta trở nên hoảng loạn vì bị tấn công và làm nhục trên mạng truyền thông toàn cầu Internet. 

Người ta đã gọi thời gian mà chúng ta đang sống hiện nay là kỷ nguyên Internet. Điều đó có nghĩa bạn phải chấp nhận chung sống với nó. Và tới nay, khi thế giới đang bước vào giai đoạn Internet cho vạn vật (Internet of Things), Internet không chỉ len lỏi tới mọi ngõ ngách cuộc sống con người mà còn đang leo lên cả con người (với những thiết bị thông minh có thể đeo được – wearables) hay thậm chí tích hợp vào trong cơ thể con người. 

Theo số liệu của trang GO-Gulf, bình quân mỗi tháng người dùng Internet trên toàn cầu vào mạng 16 giờ. Hầu hết dành phần lớn thời gian la cà trên các mạng xã hội. 

Cách đây vài hôm, tôi được xem video có tên "Cái giá của sự sỉ nhục" của Monica Lewinsky, một nhà hoạt động xã hội Mỹ 41 tuổi. Chắc bạn không quên Monica Lewinsky, nữ thực tập sinh Nhà Trắng Mỹ, từng làm kinh động cả thế giới vào năm 1998 với vụ scandal "tình dục" có liên quan tới đương kim Tổng thống Mỹ lúc ấy là ông Bill Clinton.

Khi vụ việc bị đổ bể hồi tháng 1/1998 cũng là lần đầu tiên tin tức truyền thống bị Internet qua mặt trong một sự kiện giật gân. Chỉ cần một cú nhấp chuột, câu chuyện của cô đã vang dội khắp thế giới. Và chỉ qua một đêm, cô gái 24 tuổi từ một con người hoàn toàn riêng tư trở thành một kẻ bị sỉ nhục công khai trên khắp thế giới. Cô cho rằng mình là nạn nhân đầu tiên bị mất thanh danh cá nhân trên quy mô toàn cầu. Monica nhớ lại, lúc đó tuy chưa có mạng xã hội nhưng người ta vẫn có thể bình luận online, gửi chuyện này qua email và dĩ nhiên gửi cả những chuyện đùa cợt ác ý. 

Chưa dừng lại ở đó, vài tuần sau khi Báo cáo Starr điều tra về vụ scandal được trình cho Quốc hội, các cuốn băng nghe lén những cuộc nói chuyện điện thoại của Monica được phát trên truyền hình và một số lượng đáng kể được tung lên Internet. Những lời nói, những hành động, những cuộc trao đổi và những hình ảnh riêng tư được đem công bố cho công chúng mà không xin phép, không chút thương cảm. Monica nhớ lại quãng thời gian mà cả cha mẹ cô đều lo sợ rằng cô sẽ bị sỉ nhục đến chết: "Tôi đã mất gần như mọi thứ và suýt mất cả mạng sống mình. Mỗi tối, mẹ đã phải ngồi cạnh bên giường con gái vì sợ tôi quẫn trí. Ngay cả khi đi tắm, tôi cũng buộc phải để cửa phòng tắm mở".

Khi chuyện của Monica xảy ra cách đây 17 năm, nó chưa có tên gọi. Bây giờ người ta gọi nó là "bắt nạt trên mạng" (cyberbullying) hay "quấy rối trực tuyến" (online harassment). Monica có thể là nạn nhân đầu tiên, nhưng chắc chắn không phải là nạn nhân cuối cùng của cái gọi là "văn hóa sỉ nhục online" (online culture of humiliation) hay nói theo ngôn ngữ thời thượng là "ném đá" đang bị biến thái dần như một trong những mặt trái của Internet. 

Chắc chắn bạn sẽ không thấy xa lạ gì về điều này khi mà chỉ cần vào Facebook là có thể nhìn thấy một vụ "ném đá" nào đó. Năm 2010, khi mạng truyền thông xã hội đã ra đời, đã xuất hiện thêm nhiều trường hợp giống như Monica. Điều càng nguy hiểm hơn là có những người "ném đá" vô tội vạ bất kể nạn nhân có thật sự phạm lỗi hay không. Cái trò "sỉ nhục nhau trên mạng xã hội" này nếu không có cách ngăn chặn, theo tôi nó sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí đổi bằng sinh mạng, đối với các nạn nhân.

Tyler Clementi, một sinh viên năm thứ nhất của Đại học Rutgers (bang New Jersey) đã bị một người bạn chung phòng bí mật ghi hình khi đang thân mật với một chàng trai khác. Khi thế giới online biết được vụ việc này, sự chế giễu và bắt nạt qua mạng bùng nổ. Chỉ vài ngày sau, Tyler nhảy từ cầu George Washington tự tử khi mới 18 tuổi.

ChildLine, một tổ chức phi lợi nhuận của Anh đã tập trung giúp đỡ giới trẻ trong nhiều vấn đề hồi cuối năm ngoái đã công bố con số thống kê: từ năm 2012 tới 2013 đã gia tăng tới 87% số cuộc gọi điện thoại và email có liên quan tới nạn bắt nạt trên mạng. Một thống kê khác ở Hà Lan lần đầu tiên cho thấy nạn bắt nạt qua mạng đang dẫn tới những ý nghĩ tự tử nhiều hơn là bắt nạt ngoài đời. Tàn nhẫn với người khác chẳng phải là chuyện gì mới, nhưng ở trên mạng, sự sỉ nhục gây ra bởi công nghệ đã được khuếch đại hơn, bị phơi bày, bị lưu lại và có thể truy xuất vĩnh viễn.

Trên trang web chính thức của mình, tổ chức giáo dục Education Scotland của Scotland nói rằng, Internet chỉ an toàn khi được người ta sử dụng một cách có trách nhiệm. Với tôi, mỗi khi bước vào không gian ảo Internet, tôi luôn tâm niệm trong đầu triết lý sống trong cuộc đời thật: Điều gì mình không muốn người ta làm với mình thì đừng nên làm với những người khác.

Trên Internet, thật ảo khó lường, đừng nên share bất cứ cái gì mà mình chưa xác tín là có thật và không gây hại cho ai khác.  Khi càng có nhiều người dùng có trách nhiệm, mạng Internet mới càng có thể đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho xã hội.

Phạm Hồng Phướ
c


Tổng hợp
Written : admin


Copyright © 2011 Công Ty Cổ Phần Fafim Thành Phố Hồ Chí Minh